Bãi bỏ Cơ quan Điều tra của Viện KSND Tối Cao: Một bước lùi trong Cải cách Tư pháp? 

Ngày 16/04/2025, truyền thông nhà nước đưa tin Chính phủ đã thống nhất với quan điểm của Bộ Công An, về đề xuất “không tổ chức Cơ quan Điều tra thuộc Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao”.

Theo ý kiến của Chính phủ, việc không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao là không trái với các Nghị quyết của Bộ Chính trị, và cũng không trái Hiến pháp. 

Được biết, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra, khởi tố các loại tội phạm liên quan đến hoạt động tư pháp và các sai phạm của các quan chức, cán bộ trong ngành tư pháp nói chung và của Bộ Công An nói riêng. 

Việc tồn tại một cơ quan Điều tra độc lập ngay trong ngành Kiểm sát, sẽ giúp đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực, tránh tình trạng vừa đá vừa thổi còi trong quá trình tố tụng. 

Đây là một công cụ hữu hiệu để xử lý các sai phạm, như: bức cung, dùng nhục hình, truy tố sai hay cố ý làm sai lệch hồ sơ để chạy án.

Việc Chính phủ đồng thuận với đề xuất của Bộ Công An là một hành động lạm quyền. Vì, VKSND tối cao là một cơ quan hoạt động độc lập và không thuộc nhánh hành pháp của Chính phủ. Và nếu một cán bộ của Bộ Công An vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, nhưng lại giao cho cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công An điều tra xử lý thì liệu có khách quan? 

Công luận thấy rằng, đây là một trong những biểu hiện cho thấy tất cả quyền lực đều được chuyển về cho Bộ Công An. Việc bỏ cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đi ngược với xu hướng cải cách tư pháp hiện đại. Và nguyên tắc, quyền lực được phân chia, kiểm soát lẫn nhau một cách rõ ràng.

Nếu mọi hành vi sai phạm trong ngành tư pháp đều do ngành Công An điều tra, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ điều tra khi sai phạm xảy ra trong lực lượng Công an? Lấy gì để đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong việc xử lý những sai phạm mang tính chất hệ thống?

Theo giới chuyên gia, việc loại bỏ Cơ quan Điều tra thuộc VKSND Tối cao không đơn thuần là một bước tinh gọn tổ chức. Mà đây là một bước lùi trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt nam. Trong một nhà nước pháp quyền, thì quyền lực cần được kiểm soát một cách minh bạch. 

Hồng Lĩnh – Thoibao.de