Sắp hết giờ, Trần Lưu Quang vẫn chưa ghi bàn. Thất bại đang chờ!

Đầu năm 2019, ông Trần Lưu Quang bất ngờ được bổ nhiệm vào ghế Phó bí thư thường trực Thành ủy thành phố HCM, một chiếc ghế được xem là cận kề chức Ủy viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, từ đó đến nay ngót 6 năm, ông Trần Lưu Quang chưa thể vào Bộ Chính trị. Đây là dấu hỏi to tướng, bởi ông Trần Lưu Quang được xem là nhân vật được Tô Lâm đỡ đầu.

Lúc ông Trần Lưu Quang nắm chức Phó bí thư thường trực thành ủy TP HCM thì có vẻ như lúc ấy ông được là “trái cây ép chín non”. Ông Quang chưa thực sự có lịch sử thuyên chuyển hoành tráng để được xem là “giàu thành tích”, đấy là một trong những lý do khiến ông không vào Bộ Chính Trị ở Đại hội 13 năm 2021. Vả lại, lúc đó ông Tô Lâm chỉ là Bộ trưởng, chưa đủ lực để phù phép cho đàn em vào Bộ Chính trị, bởi bên trên còn có ông Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm không thể “một tay che trời”.

Sau Đại hội 13, ông Trần Lưu Quang có 5 năm để chuẩn bị trước khi vào Bộ Chính trị. Và trong nhiệm kỳ này, ông Quang được thiết kế lộ trình thần tốc. Trong 3 năm, ông kinh qua đến 4 chức vụ, từ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, chức Bí thư Thành phố Hải Phòng, chức Phó Thủ tướng và sau đó là chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (hiện nay là chức Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương). Trước đó, chức này thường dành cho các Ủy viên Bộ Chính trị như Nguyễn Văn Bình, Trần Tuấn Anh.

Từ sau khi ông Nguyễn Phú Trọng chết, tưởng rằng cơ hội của Trần Lưu Quang rộng mở. Bởi như thông tin nội bộ cung cấp, ông Tô Lâm đang muốn nuôi và nâng đỡ Trần Lưu Quang như là Thủ tướng dự bị thay Phạm Minh Chính. Tham vọng của Tô Lâm là nắm cả Ban bí thư lẫn Chính phủ để thao túng toàn bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam và toàn quyền điều khiển hệ thống chính trị lẫn hệ thống kinh tế đất nước. Tuy thuận lợi lớn nhưng Trần Lưu Quang gặp khó khăn cũng không hề nhỏ.

Hiện phe Tô Lâm rất mạnh, bằng chứng là đã đưa được Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị. Nhưng xem ra ở nhiệm kỳ này, sức lực của Tô Lâm đã đạt giới hạn, ông không thể đưa thêm người của mình vào Bộ Chính trị. Ông đang vấp phải sự chống đối từ nhiều phe khác, đáng chú ý là phe Phan Văn Giang trong quân đội.

Đưa Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị cần thiết hơn đưa Trần Lưu Quang, bởi ưu tiên của Tô Lâm là kiểm soát Ban bí thư trước rồi kiểm soát Chính phủ sau. Chỉ có gia cố thành trì vững chắc mới tính đến đường tấn công kẻ khác, không ai cố tấn công mà để thành trì bị thủng. 

Hồi đầu năm 2025, ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị trong một cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng. Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 11 hồi đầu Tháng 4, nhiều nhà quan sát chờ đợi kỳ tích thứ 3 của Tô Lâm là đưa Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, kết quả ngoài dự đoán nhiều người, phe Phan Văn Giang bứt phá, với thỏa thuận, Phan Văn Giang vào Tứ trụ và Nguyễn Tân Cương- đàn em của tướng Giang sẽ vào Bộ Chính trị. Mâm cỗ dành cho Trần Lưu Quang không hề được dọn ra ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11.

5 năm nhiệm kỳ 2021-2025 đang như trận đấu sắp hết giờ, ấy vậy mà Trần Lưu Quang vẫn chưa thể ghi được bàn thắng. Một bàn thắng mang tính sống còn cho sự nghiệp chính trị của ông. Đáng nói là, ông Phạm Minh Chính cũng đã củng cố vị trí vững chắc qua Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Ông Chính là người được ở lại Bộ Chính trị, điều đó cũng có nghĩa là chức Thủ tướng khó vuột khỏi tay ông thủ tướng hiện nay.

Năm 2019, Trần Lưu Quang được đưa vào ghế bệ phóng trước Nguyễn Thanh Nghị 5 năm, ấy vậy mà giờ đây cơ hội cho Nguyễn Thanh Nghị lớn hơn Trần Lưu Quang. Có lẽ, Trần Lưu Quang “xui” hơn Nguyễn Thanh Nghị, vì ông Quang không thể có người cha “số má” như cha của Nguyễn Thanh Nghị, đồng thời đối thủ mà Trần Lưu Quang phải đối đầu cũng rất lớn. Trần Lưu Quang dù được đỡ đầu vẫn chưa thể là đối thủ của Phạm Minh Chính. Đối thủ của Phạm Minh Chính, chỉ có thể là Tô Lâm.

Xem ra một thất bại hiển hiện đang chờ Trần Lưu Quang.

Trần Chương -Thoibao.de