Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, trong nhiều vụ án buôn bán hàng giả quy mô lớn bị phát hiện. Theo truyền thông nhà nước, đã có sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tư thương với cán bộ trong ngành công an.
Tuy nhiên, phần lớn những cán bộ liên quan này thường “biến mất” khỏi hồ sơ của vụ án, hoặc chỉ bị xử lý nội bộ. Sự thiếu minh bạch này đang khiến niềm tin của công luận vào “cuộc chiến” chống hàng giả” bị bào mòn nghiêm trọng.
Trong một phát biểu thẳng thắn gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu đích danh căn bệnh trầm kha của lực lượng công an, theo ông Chính: “Chỉ có hai khả năng – hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc họ đã bị mua chuộc.”
Phát ngôn này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của công luận, đặc biệt khi tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, có tổ chức, và được “chống lưng” bởi chính lực lượng Công an.
Công luận thấy rằng, lẽ ra lực lượng Công An phải đóng vai trò đầu tầu trong việc phát hiện, triệt phá và xử lý các đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Thế nhưng, đa số các vụ việc đều cho thấy có dấu hiệu tiếp tay, bao che của cán bộ Công an.
Điều khiến dư luận hoài nghi và phẫn nộ hơn cả là sự im lặng, hoặc né tránh của Tổng Bí thư Tô Lâm người từng là Bộ trưởng và hiện vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong ngành này.
Theo giới quan sát, hệ thống Công an hiện nay là “bệ đỡ quyền lực” then chốt của ông Tô Lâm, chính vì thế, bất kỳ hành động mạnh tay nào nhằm vào ngành Công an đều có thể làm lung lay nền tảng quyền lực của Tổng Bí thư.
“Dao sắc không gọt được chuôi” là một sự ví von cay đắng về ông Tô Lâm, dù thừa quyền lực nhưng lại tỏ ra “bất lực” đối với các sai phạm mang tính hệ thống từ chính lực lượng thân tín của ông.
Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm muốn chứng minh quyết tâm cải cách và giữ gìn kỷ cương Đảng, thì phải xử lý nghiêm những cán bộ công an tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái.
Đây chính là phép thử then chốt nhất, nếu không, mọi khẩu hiệu “không có vùng cấm” sẽ mãi chỉ là lời nói suông.
Hồng Lĩnh – Thời bao.de