CHÍNH QUYỀN QUYẾT BIẾN PHÚ QUỐC THÀNH ĐẶC KHU BẤT CHẤP PHẢN ĐỐI

Bất chấp làn sóng phản đối dữ dội từ người dân trong và ngoài nước suốt từ năm 2018, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục âm thầm thúc đẩy kế hoạch biến Phú Quốc thành đặc khu kinh tế. Gần đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt cho “Đặc khu Phú Quốc.” Trước đó một ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Phú Quốc, trực thuộc tỉnh An Giang, chính thức đưa khu vực này vào vòng quản lý nhà nước theo mô hình đặc khu.

Kế hoạch này tiếp nối động thái của Tổng Bí thư Tô Lâm sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, yêu cầu Bộ Nội vụ đề xuất mô hình tổ chức cho chính quyền đặc khu. Mặc dù dự luật “Luật Đặc Khu” từng bị tạm hoãn năm 2018 sau các cuộc biểu tình rầm rộ khắp cả nước từ Hà Nội đến Sài Gòn, Bình Thuận do lo ngại về việc Trung Quốc có thể thuê đất tới 99 năm, chính quyền vẫn lặng lẽ triển khai từng phần, hợp thức hóa các đặc khu bằng cơ chế riêng lẻ, không còn công khai gọi là “luật đặc khu”.

Trong khi đó, những người phản đối trước đây gồm cả người dân và thanh niên đã bị bắt giữ, tra tấn, xét xử nặng nề với bản án lên tới hơn 4 năm tù. Đáng nói, việc biến Phú Quốc thành điểm đến “giải trí tầm cỡ quốc tế” chỉ là bình phong cho các nhóm lợi ích đỏ chia nhau đất đai và đầu tư casino, du lịch phục vụ mục đích riêng.

Việc tiếp tục triển khai mô hình đặc khu, bất chấp phản đối từ dư luận và nguy cơ an ninh quốc gia, cho thấy sự bất chấp dân ý và gia tăng tập trung lợi ích nhóm trong giới cầm quyền. Việc các khu vực chiến lược như Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc bị xé nhỏ ra để “lách luật”, từng bước thực hiện kế hoạch cũ, chứng tỏ mô hình đặc khu không hề bị từ bỏ, mà chỉ chuyển từ công khai sang âm thầm hợp thức hóa. Đây không còn đơn thuần là chiến lược phát triển kinh tế, mà là một trò chơi quyền lực và tài sản giữa các nhóm lợi ích đang thao túng chính sách, thậm chí không ngại chà đạp lên ý chí nhân dân.

Thu Phương – Thoibao.de